Câu chuyện phong trào dân chủ và chính sách của chế độ Việt Nam (VN) đang vào giai đoạn rối rắm với những lập luận trái chiều cho cả hai phía.
Phía đầu tranh dân chủ - còn gọi là phía lề trái - được hình thành từ nhiều thành phần khác nhau, trong đó đa số là từ những nạn nhân của chế độ trong thời kinh tế mở cửa - chủ yếu liên quan đất đai, hiện bị cho là tầng lớp thấp trong xã hội - Một số là những người thuộc lực lượng liên quan chế độ VNCH trước 1975 chủ yếu hiện ở hải ngoại đóng vai trò dẫn dắt truyền thông do có chút khả năng hỗ trợ về mặt kinh tế cho lực lượng trong nước. Rất hiếm những gương mặt cho thấy tham gia hoạt động xã hội dân sự hay đấu tranh chính trị xuất phát tự nhận thức tự nhiên, Thể hiện được tính minh bạch và cho thấy mẫu hoạt động chính trị theo tiêu chuẩn phù hợp tối thiểu.
Trong bối cảnh xã hội lấy cái túi tiền và quyền lực làm thước đo giá trị. Sau những dẵn dắt bởi một số trí thức, những tổ chức chính trị hải ngoại. Giờ đây phong trào dân chủ đang chuyển qua giai đoạn phát triển mang khuynh hướng cạnh tranh để vượt lên, nhằm thể hiện và lôi kéo các ảnh hưởng độc lập. Báo hiệu chỉ dấu khởi đầu sự hình thành một tổ chức chính trị rõ ràng hơn là các hội nhóm đơn giản ban đầu Điều đáng chú ý là sự phát triển ấy không có nhiều cơ sở để đảm bảo yếu tố vững chắc hay hiệu quả do chưa xuất hiện dấu hiệu có đủ năng lực, kỹ năng cần thiết để hình thành cơ cấu tổ chức và định hướng hoạt động một cách bài bản. Việc đi sớm hơn qui luật hình thành nhưng thiếu nền tảng là nguyên nhân chính dẫn đến những tranh cãi, những cuộc đấu đá, công kích lẫn nhau cả ở cá nhân và các nhóm với nhau ngày càng nhiều hơn.
Việc hình thành khá nhiều các tổ chức hoạt động dưới vai trò là tổ chức xã hội dân sự cho thấy: Ngoài ý nghĩa phát triển về lượng thì nó cũng thể hiện rằng: Nhận thức đấu tranh trong giới lề trái nói riêng và tâm lý người Việt nói chung luôn bị tính cá nhân chi phối, gây chia rẽ sâu sắc. Dẫn đến chưa có hội nhóm nào thể hiện được bản lĩnh của một tổ chức cấp tiến thực sự đủ mạnh, đủ uy tín để bứt phá thành ngọn cờ chủ đạo. Điều này dễ hiểu và dễ lý giải vì đặc tính văn hóa người Việt vốn rất chậm chạp với cái mới, tâm lý thụ động bản năng và luôn trông trờ vào yếu tố khách quan, dựa dẫm hơn là chủ động đã ăn sâu trong tư duy người Việt từ trong lịch sử chứ không phải mới đây. Trong chế độ cộng sản ngày nay thì đặc điểm tâm lý này càng nặng nệ hơn bởi hậu quả của lối tuyên truyền "thần thánh hóa" đầy ma mị suốt bao nhiêu năm, trải qua tới 3-4 thế hệ.
Nói một cách thô thiển thì có thể nói tinh thần đấu tranh của người Việt là loại ý thức hùa theo đám đông. Người ta có thể hùa theo nhau đánh chết một tên trộm chó cầm vũ khí nguy hiểm như dao, súng.. nhưng sẵn sàng bỏ chạy khi đơn lẻ đối mặt với một tên nghiện yếu ớt nhưng xăm mình bằng màu lọ nghẹ chỉ bởi sợ hình ảnh tàn ác tô vẽ kia hay đơn giản chỉ vì lời đe dọa.
Văn hóa ấy bị ngộ nhận, ăn sâu vào tiềm thức từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đến nỗi người ta trở nên mù mờ khi tin rằng hơn 4,000 năm lịch sử chiến tranh liên miên của dân tộc là một niềm tự hào thay vì thử đặt ra câu hỏi tại sao cứ đời này qua đời khác phải đem xương máu ra để trả giá cho hai chữ "tồn tại"? Một đất nước mà con người có tinh thần độc lập, ý chí quật cường thì liệu có phải chịu cảnh đau thương và cái giá xương máu cho mọi vấn đề nhỏ nhất như vậy không ? Chắc chắn không !
Thật khó mà đếm hết trong hơn 4.000 năm ấy, Việt Nam đã trải qua bao nhiêu triều đại cầm quyền. Nhưng có một mẫu số chung là đại đa số các triều đại đều yếu hèn trước một gã láng giềng mang tên Trung Quốc ngày nay. Nếu tính cho đúng thì mấy trăm triều đại trong lịch sử Việt Nam ghi lại chỉ có vài ba triều đại đủ uy dũng để ngồi ngang với "Thiên triều" hoặc chỉ "triều cống" cho có lệ với chút ít lễ lạt có lẽ giá trị không bằng một cú bôi trơn loại "thường thường bậc trung" ngày nay.
Đó là thời danh tướng Lý Thường Kiệt chấp chính đã vung gươm đánh cho Tống triều thất kinh táng đởm. Thời Lê-Trịnh hùng cứ một phương, tuy danh nghĩa vẫn nhận phong vương nhưng từ nghi lễ, triều phục, văn hóa tới ngoại giao đều hoàn toàn độc lập, Vui thì sắm lễ qua chơi, buồn thì sai sứ tay không đi đòi đất mà việc lớn vẫn thành. Là thời của Quang Trung Nguyễn Huệ chỉ mang gươm tới Thăng Long xưng Đế rồi ung dung sai sứ đi giả tiếng cầu hôn nhưng thực chất là ngang nhiên đòi lại đất đai của tổ tông mà Thanh triều sợ run không dám từ chối.
Câu chuyện lịch sử còn đó, dân tộc Việt Nam còn đó.. tất cả đều không thể thay đổi vì thời gian không thể đảo ngược. Nhưng giờ đây những thứ gọi là "văn hóa dân tộc" ngoài những khoảng trống bị tẩy xóa thì ngay chính khuynh hướng thể hiện trong nhận thức vì một đất nước tốt đẹp hơn cũng chất chồng mâu thuẫn để thay vào những câu chuyện cười ra nước mặt.
Về phía phong trào đấu tranh đòi dân chủ. Điều rất dễ nhận ra là các thông điệp truyền thông chủ động đưa ra rất hiếm các nội dung có sức thu hút, đủ tầm về mặt nghệ thuật thu hút nhân tâm để khiến người khác lưu lại, ghi nhớ trong ký ức. Đại đa số trôi tuột đi tương tự như chuỗi các startus trên dòng thời gian của facebook - công cụ truyền thông chủ yếu mà phe lề trái đang sử dụng.
Rất nhiều các nguồn tin được trích dẫn hoặc xào xáo từ nguồn là thông tin chính thống của chế độ để lồng ghép đôi khi rất khiên cưỡng kiểu mỉa mai, phủ nhận nhưng chẳng dựa trên lý lẽ thuyết phục nào. Điều này phản ảnh thực lực của các tổ chức, hội nhóm lề trái không chỉ thiếu về tầm chuyên nghiệp mà còn thiếu nghiêm trọng về năng lực con người, khả năng kết nối, điều kiện tài chính.v.v. Điều này đồng thời chỉ ra một số vấn đề nghiêm trọng như:
- Không đủ năng lực phản biện ở khía cạnh pháp lý khi nguồn thông tin lấy từ nguồn chính thức do đối thủ là chế độ lựa chọn.
- Dễ bị dẫn vào các hiệu ứng xung đột truyền thông có chủ ý mà chế độ cố tình tạo ra để định hướng dư luận. Tự mâu thuẫn trong thông điệp truyền thông, dẫn đến thiếu tính thuyết phục.
- Thiếu mạch liên kết trong nội dung truyền thông để duy trì, tạo sự chú ý và ủng hộ mạnh mẽ tvới đa số.
Riêng 3 điểm này, con đường sử dụng truyền thông của phe lề trái đã quá chông gai và mỏng manh về mặt hiệu quả. chứ chưa nói đủ sức vượt lên dẫn dắt tư tưởng.
Lấy một vài ví dụ để chứng minh: Năm 2014, trên khắp nước VN đã nổ ra một cuộc biểu tình phản đối TQ đưa giàn khoan 981 vào lãnh hải của Việt Nam với qui mô rất lớn, chấn động dư luận cả thế giới. Thế nhưng năm 2015 đến 2017 thì ngoài các cuộc biểu tình phản đối sự cố môi trường Formosa Hà Tĩnh thì càng cuối năm 2017, dư luận càng gần như bị cuốn hút hoàn toàn vào những cuộc chiến truyền thông xung quanh những nội dung rất bình thường do truyền thông nhà nước khơi mào như các lùm xùm xung quanh vài vụ án chống tham nhũng mà ĐCSVN thực hiện; thành tích đội bóng đá U 23; chữ viết mới của Bùi Hiển.... Cuộc tranh cãi về thuế, xăng dầu, các chính sách.. là những nội dụng liên quan tới tất cả mọi đối tượng thì chỉ lướt qua như một cơn mưa phùn nhẹ không để lại gì. Một thông tin nghiêm trọng, có sức ảnh hưởng và lớn hơn tất cả là việc TQ đưa quân, khí tài, triển khai quân sự hóa trên các đảo của Việt Nam ở Biển Đông thì phe lề trái rất hiếm người đề cập, kết quả là chỉ ở Philipin có nổ ra biểu tình nhỏ còn VN thì không.
Có thể nói, suốt hơn 2 năm, truyền thông phe lề trái chỉ "ăn theo" có hiệu quả đáng chú ý nhất là sự kiện phản đối B.O.T của nhóm Bạn hữu đường xa thực hiện, một chút ít liên quan sự cố môi trường Formosa. Còn lại không có gì đáng nói nếu không nói thêm về những lỗ hổng trong nhận thức có thể liệt kê ra kiểu như: Đòi đa đảng nhưng nhất quyết đòi giải thể ĐCS; Lên án chế độ cộng sản nhưng buộc người khác phải tin và khẳng định chế độ VNCH là tốt. Chỉ trích chế độ trong chính sách hòa giải dân tộc nhưng kiên quyết không chấp nhận xin lỗi (vụ Hoàng Phủ Ngọc Tường); tố cáo chế độ tàn ác trong lịch sử nhưng lại kêu gọi xử tội các đảng viên ĐCS bằng những ngôn từ bạo lực và không hề thua kém độ tàn nhẫn.v.v.
Trong các vấn đề nổi trội nói trên thì việc tranh cãi xung quanh các vụ đại án có lợi và giúp truyền thông cho chế độ nhiều hơn. Cuộc biểu tình phản đối TQ năm 2014 các dữ liệu cho thấy rõ ràng có sự bất đèn của chế độ chứ không thể nói là do các hội nhóm dân sự tổ chức. Mặc dù sau đó hàng loạt thành viên các hội nhóm hoặc người tham gia bị bắt giữ và xét xử. Quan điểm mang xu hướng cực đoan, triệt tiêu ĐCS.. khiến người nghe nghi ngờ tôn chỉ chính trị. Vụ U 23, chữ viết Bùi Hiển giúp dư luận lãng quên việc tăng thuế, tăng giá xăng dầu.. một cách ngoạn mục.v.v.
Về phía chế độ: Tuy vẫn đang giữ thế thượng phong về mặt kiểm soát và dẫn dắt truyền thông trong bối cảnh phe lề trái đang còn manh mún và chưa có thực lực. Trước sự bùng nổ thông tin thì các lổ hổng về mặt chính sách, vấn nạn tiêu cực và nhất là tầm tri thức trong quản lý lẫn trình độ các cá nhân nắm giữ quyền lực cũng khiến cho dư luận thấy rõ năng lực, sự yếu kém chưa từng có.
Hàng loạt các chính sách, phát ngôn của quan chức liên quan đủ mọi mặt của đời sống xã hội. Bao gồm cả vai trò cá nhân; sự biện minh cho các sai phạm.. đã trở thành đề tài chế giễu và trên thực tế đã gây nguy hại cho xã hội nói chung và chế độ nói riêng. Vấn nạn suy bại bởi chính thành phần thực thi pháp luật của chế độ lại vi phạm luật pháp của chính chế độ đưa ra ngày càng diễn ra một cách công khai, lộ liễu đến mức có thể nói là trơ tráo đến khó coi vì không thể thanh minh hay khả dĩ có thể lươn lẹo hòng làm giảm sự ảnh hưởng tiêu cực tới vị thế chính trị của chế độ. Các ví dụ loại này quá nhiều nên không cần dẫn giải ra thêm. Chỉ nêu vài ví dụ liên quan chính sách để xác tín các tình huống "khó đỡ" của chế độ.
- Xung quanh các vụ án chính trị, các đại án kinh tế và qua các phiên tòa xét xử: Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức về xét xử, dẫn đến cuộc khủng khoảng truyền thông và cả quan hệ ngoại giao là bàn thua thảm bại quá rõ về mặt truyền thông. Vụ xác minh thông tin Vũ "nhôm" là sĩ quan tình báo; vụ điều tra liên quan tin tức cho rằng một tướng CA bảo kê sòng bạc ở Phú Thọ.. là những chi tiết không nhỏ. Có thể giúp chế độ "lấy điểm" về mặt truyền thông và chính trị nhưng đang chìm dần. Việc từ chối quan sát viên nước ngoài, ngăn cản người dân tham dự các phiên tòa được cho là công khai đối với cả án kinh tế và đặc biệt là tất cả các vụ án liên quan yếu tố chính trị là điểm đen không thể che lấp trong việc đánh giá niềm tin vào chế độ nhưng vẫn không có dấu hiệu nào thay đổi.
- Xung quanh một số vấn đề về chính sách: Không nói những chính sách, qui định, văn bản.. được ban hành sai luật, không thể áp dụng thì rất nhiều chính sách rõ ràng là có tính phù hợp, có lợi cho đất nước nhưng vì không có cơ chế triển khai hữu hiệu nên rơi vào ngõ cụt và bị qui chung vào "nói mà không làm". Cụ thể:
Các đề xuất về việc đạng hóa quyền sở hữu đất đai chưa được xem xét. Trong khi đó đây là nguyên nhân chính hình thành lực lượng bất đồng với chế độ có mức độ mâu thuẫn lớn nhất. Hình thành lực lượng dân oan liên quan đất đai ngày càng gia tăng.
Luật lập Hội, luật Biểu tình được trình lên trình xuống khá nhiều lần, suốt mấy năm ròng vẫn chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu để ban hành. Trong khi đây là quyền đương nhiên đã có trong Hiến pháp và đồng thời là công cụ hữu hiệu để quản lý, phát triển xã hội.
Xu hướng "nhất thể hóa" theo chiều nhân sự Đảng qua nắm chính quyền dù mới áp dụng trong phạm vị hẹp nhưng đã bộc lộ rõ bất cập qua dấu hiệu năng lực quản lý suy giảm nhanh chóng khi hàng loạt quyết sách từ Đảng đang giẫm chân lên luật. Các nhân sự Đảng quen với lý thuyết, giỏi về mặt chính trị đảng phái nhưng rõ ràng không dễ để đảm nhận vai trò quẩn lý xả hội trên thực tế. Thiếu chuyên môn và kinh nghiệm nên sẽ dẫn đến việc bó tay bộ máy chính quyền hoặc cản trở nghiêm trọng sự phát triển kinh tế. Một ví dụ rất nhỏ trong đó là riêng chỉ thị 13 của Ban bí thư đã khiến gần như toàn bộ các dự án ở các tỉnh Tây Bắc, các tỉnh Tây Nguyên (các địa phương có diện tích chủ yếu là rừng) rơi vào bế tắc thay vì chỉ cần đưa ra chỉ thị với nội dung tăng cường thực hiện Luật bảo vệ rừng là đủ vì các qui định cơ bản trong chỉ thị này đều đã có trong trong luật. Ngay cả các dự án có gắn với bảo vệ, phát triển rừng cũng chịu chung số phận do lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương vì lo thủ sự an toàn sinh mệnh chính trị nên mất hẳn tự tin khi xác định, áp dụng chính sách phù hợp. Thế nhưng sau gần 1 năm ban hành vẫn chưa thấy có thêm văn bản hướng dẫn hay điều chỉnh nào.
Về điều hành chính sách kinh tế xã hội: Từ năm 2016, sau khi ổn định bộ máy lãnh đạo nhiệm kỳ mới đã gần 2 năm nhưng đến nay, Chính phủ mới vẫn chưa cho thấy chiến lược phát triển kinh tế nào được thực thi có hiệu quả rõ rệt ngoài các khẩu hiệu và báo cáo mang tính "động viên tinh thần". Có vẻ như các chính sách đã được xác định trên truyền thông nhưng không có chỉ dấu nào cho thấy chiến lược kinh tế ngành đề ra là đúng, đã và đang được chú trọng hay thúc đẩy trên thực tế. Lạm phát gia tăng trong khi việc điều tiết vĩ mô theo hướng tiêu cực, thiếu độ vững chắc và có hại hơn là tích cực.
.....
Rất nhiều ví dụ tương tương tự để chỉ ra những lỗ hổng, nhưng điểm yếu tự mâu thuẫn trong chính tư duy của các bên trong xã hội VN nói chung chứ không riêng nội bộ hệ thống bộ máy của chế độ. Các lỗ hổng, sự rối rắm tự mâu thuẫn cho thấy rất rõ bế tắc về mặt xu hướng chính trị trong tương lai lẫn kỳ vọng về hiệu quả trong hiện tại. Nói cách khác, nó chỉ ra xã hội VN đang trong thời kỳ đen tối nhất khi có chung một điểm lùi về nhận thức và ý thức chính trị ở mọi thành phần.