Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

NAM QUAN TẾ TỐNG.. (KHÓC ẢI NAM QUAN)


Năm 2009, khi Hữu Nghị Quan và 1/2 Thác Bản Giốc cùng một số nơi trên dải biên giới Việt - Trung thay tên đổi nước. NN đã làm bài thơ này, 5 năm trước khóc Nam Quam. Năm năm sau giờ biết khóc gì đây?

Nhớ khi xưa..
Phú Lũy (1)danh tiền..
Mốc điểm tiền tiêu chặn đường "nam hạ"..
Vẻ vang thay..
Lừng lẫy chiến công!..
Bao xác thù chung bỏ lại!
Lịch sử khắc ghi..
Chính sử Bắc triều..bao hảo hán ngậm ngùi sống nhục..
Kẻ trốn ống đồng(2)..
Kẻ lột áo vặt râu chạy trốn(3) chạy mấy phen?
Biên Trấn Nam Quan..
Cửa Sinh - Tử - Hận - Lân cũng đó..
Thuở giao tranh máu đổ khơi nguồn..
Ngày hòa hoãn
Hữu Nghị Quan tên đặt..

 Hỡi.. ôi...
Trời Nam vời vợi...
Sông núi ngàn năm...
Bao lúc thịnh suy..
Bao lần biến cố...
Vẫn hiên ngang..
Đây trấn giữ tiền đồn..
Nay thay thầy đổi chủ..
Lệ hận Phi Khanh (4) có biết nẻo về?
Sông suối Ức Trai (5) có nhớ cội nguồn chảy lại?

So sánh thiệt hơn..
Vấn nhân mạt kỷ..
Đổi đất ông ông cha giữ tiếng "hòa giao"..
Có thẹn Quang Trung oai dũng thuở nào..
Giả tiếng cầu hôn, mưu đòi Lưỡng Quảng..
Nam Quan - Văn Dũng(6) khuỵu gối nghẹn ngào..?
Đâu cái bắt tay, hai anh hùng(7) cái thế..
Hai chủ đồng tâm chữ Hữu Nghị Quan?

Thôi thì..
Từ nay biệt quốc..
Vinh hận có mang..
Nam Quan..
Ô.. hô... Nam Quan..
Linh khí hùng anh..
Không trấn giữ cho trời Nam được nữa..
Nhớ nhé đừng quên..
Chuyện Chiêu Thống rước voi dày mả tổ..
Một mai này máu hận dày thêm..

Nếu có linh thiêng..
Hãy che chở những bà con dân tộc..
Những núi những sông tống tiễn cùng ngươi..
Từ lũ chim muông cùng cây lá, biển, trời..
Về xứ Bắc từ nay dời cõi..
Đổi chủ thay tên..
Kể từ nay, cháu con dân tộc..
Hết nhớ tên này...
Ô.. hô.. ai hay..

Ta ở trời Nam vọng bái..
Lệ chảy hai hàng, tâm can vụt cháy..
Thương lắm Nam Quan..
Thương lắm cả giang san bờ cõi..
Giao tranh xương hận mấy tầng?
Hoãn hưu mấy ngày êm ấm?....
Sông núi nước Nam..
Từ đâu máu chảy?
Ngày sau có thấy.. dấu tích hùng anh?
Xương máu cha ông uổng phí..
Cháu con nuốt nhục đã đành...
Mấy câu nhạt ý..
Tống tiễn Nam Quan..
Vọng bái hùng anh linh khí..
Nhớ trở về Nam..
Chốn xưa tại vị..
.........
Thương thay...!
.........

(1) - Tên xưa kia của Nam Quan  (Hữu Nghị Quan).
(2) - Thoát Hoan
(3) - Mã Viện.Trương Hộ...
(4) - Cha Nguyễn Trãi. Tương truyền khi ông khóc lúc chia tay với con ở ải Nam Quan, nước mắt tạo thành giếng (giếng Phi Khanh).
(5) - Nguyễn Trãi. Tương truyền khi tiễn cha ở Nam Quan, ông đã khóc tạo thành suối.
(6) - Người thay mặt Vua Quang Trung sang gặp Càn Long mượn tiếng xin cưới Công chúa nhà Thanh nhưng chủ đích là đòi lấy hai tỉnh của TQ làm của hồi môn (Lưỡng Quảng).
(7) -  Hồ Chủ Tịch và Mao Trạch Đông.
TRẤN NAM QUAN - Tức cửa khẩu Hữu Nghị Quan. Cửa khẩu giao thương lâu đời nhất của VN và TQ từ trước tới nay. Theo nghĩa Hán văn: TRẤN NAM QUAN Có hai cách hiểu: Thị trấn trên đường đến nước Nam (Phương Nam..). Hoặc "điểm trấn giữ phía Nam". Nhìn lại lịch sử quan hệ VN-TQ. Có lẽ người TQ xưa thích nghĩa thứ hai hơn. Xét trên góc độ chính trị, nghĩa thứ nhất phù hợp và dễ nghe hơn.
Theo các sách sử của cả hai nuoc Trung - Việt. Trước thời Đường bên TQ. Trấn Nam Quan đã được hình thành như một tiền đồn phân ranh giữa hai quốc gia Bắc - Nam. Tôi chỉ nhớ, vào đời Thanh, Trấn Nam Quan có tên là Ải Phú Lũy. Đến đời Càn Long có sửa sang lại cất thêm một đồn trại lớn phía TQ (Để sẵn sàng đối phó với sự đe dọa từ phía Nam do sự hùng mạnh đầy uy lực của triều đình Tây Sơn thời đó), cả hai nước đều có xây dựng ở đây trạm đồn trú của quân đội và trạm dừng (Biên Quán) để các sứ thần, các đoàn công cán giao dịch hai bên nghỉ lại hay trao đổi công văn thư từ qua lại .v.v. Như vậy, rõ ràng đây dã được xem là một diểm ranh giới phân chia giữa hai quốc gia. Từ trạm Dịch Quán của cửa khẩu về phía bên nào thì đó thuộc lãnh thổ của nước đó. Đường biên giới hai nước kéo dài dọc dãy Hoàng Liên Sơn có những điểm nào cụ thể hơn thì tôi không rõ lắm. Nhưng một số tài liệu, sách sử có nói đến một số khu vực phân chia Nam - Bắc mà trước đây dưới sự thống trị của một số Tù trưởng, Châu mục người dân tộc. Lúc theo triều đình bên này, lúc theo triều đình bên kia... Nhưng chắc chắn là khu vực Mèo Vạc, Mường Lá, Thác Bản Giốc là luôn thuộc về nước ta từ xa xưa tới nay!. Sự hình thành Khu Tự trị Thái - Mèo trước đây ở khu vực này là do những âm mưu chính trị của chính quyền phương Bắc và sự hà hơi của những thế lực thù địch khác.
Ngày nay, với việc ký kết Hiệp định phân chia đường biên giới. Nếu cứ căn cứ vào thực tế kiểm soát của các đồn biên phòng Việt Nam dọc biên giới. Đường biên mới mới sẽ thụt vè phía Việt Nam trung bình từ trên dưới mấy trăm mét. Không có chỗ nào dịch về phía TQ cả! Như vậy, phần diện tích đất chuyển dịch bị mất đi không nhỏ. Chưa nói là về mặt quân sự. Rất nhiều các điểm cao, địa hình có lợi thế an ninh, quân sự cũng theo đó mất đi.!
NN không có tài làm chính trị. Không đủ trí xét chuyện sai đúng. Chỉ là thấy đau đến thắt lòng khi có người tìm cách lý giải sai với sự thật về chuyện "của ai" trong việc phân chia những mảnh đấy máu thịt của cha ông bao đời. Đau như nỗi đau khi nghe tin TQ đánh chiếm Trường Sa, Hoàng Sa.. Và đau khi bao con cháu Lạc Hồng đem hào khí anh hùng muốn lao ra biển để đòi lại, chung tay với các anh em đang chiến đấu nơi biển cả.. Nhưng không được làm, không được thỏa chí.. Nay TQ lại ngênh ngang tập trận, khoe khoang tiềm lực quân sự nơi biển Đông... Chạnh lòng lại nhớ: Xưa nay, phướng Bắc rộng lớn lúc nào chẳng nhiều người lắm của hơn phương Nam? Nhưng lịch sử vẫn "Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư", "Rành rành định phận ở sách trời".. Nay khi thì mất đất, lúc mất biển đảo. giặc vô tận nhà cướp bóc "vẫn là anh em" thì vận nước trông vào đâu? Tương lai đi về đâu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét