Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

"BẢO VÊ" UY TÍN ĐẢNG - NHIỆM VỤ BẤT KHẢ THI ?

Trước hết, nói đến bảo vệ một thứ gì đó thì trong định tính về nó phài là thứ bắt buộc luôn tồn tại ít nhất là hai đặc tính: “đang có và có giá trị” về một khía cạnh nào đó.­­­­­­­­­ Ví dụ: Bảo vệ một món đồ tức là món đồ đó đang trong tay mình, có ý nghĩa và giá trị cần thiết cho mình nên phải bảo vệ nó không bị mất đi, không bị hư hại. Không ai đi bảo vệ thứ đã mất hoặc không có giá trị gì cả. Vậy: Việc “bảo vệ uy tín Đảng” cũng phải xem xét nó có còn và có ý nghĩa về mặt giá trị nào đó hay không.

Có lẽ cái văn hóa “tự sướng” đã ăn quá sâu vào trong mọi ngõ ngách của tư duy nên giờ đây, ngay cả các lãnh đạo cao cấp trong Đảng vẫn không thể định lượng được cái nào là có, cái nào là không trong lý luận chính trị. Vì vậy mà trong mỗi vấn đề, chỉ biết thao thao đọc diễn văn và hô khẩu hiệu chứ không thấy chỉ ra cái gì cụ thể, xác thực. Từ cái tự nhận ĐCSVN là “tập hợp tinh hoa của dân tộc” dẫn tới phớt lờ, coi nhẹ giá trị trí tuệ của cả dân tộc.
Xét theo logic, nếu các cán bộ cấp dưới được dân tín nhiệm là người có trí tuệ, có uy tín cao nhất được bầu lên, Các vị trí cấp trên được chọn lọc từ các cán bộ cấp dưới có tài năng, có đức độ tốt nhất.. cứ như vậy thì sẽ hình thành đội ngũ lãnh đạo có tài, có tâm. Nghĩa là có được bộ máy lãnh đạo giỏi, có uy tín. Nhưng ngay từ đầu, hệ thống tuyển dụng, xây dựng nguồn nhân sự thời mới giành chính quyền bằng khẩu hiệu “trí-phú-địa-hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” đã loại bỏ đi hầu hết nguồn nhân lực có điều kiện ăn học tốt nhất trong xã hội.

Trong mấy chục năm ròng loay hoay với “định hướng xây dựng xã hội chủ nghĩa”. Nhằm định hướng tư tưởng người dân. Từ các lý luận tới cả bộ máy giáo dục, tuyên truyền chỉ nhằm mục tiêu dẫn dắt mọi người dân, mọi tầng lớp tin vào Đảng, tôn vinh Đảng, chấp nhận Đảng như một định thể hoàn hảo, luôn đúng, luôn tốt nhất. Có thể nói: Về mặt định hướng tư tưởng – Việc mà bất cứ chế độ, thể chế nào cũng đều làm, đều cần - ở Việt Nam, bộ máy tuyên huấn, giáo dục.. của nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN đã rất thành công. Tuy nhiên, chính niềm tin vào thành công quá lớn đã khiến chính ĐCSVN và cả bộ máy tuyên truyền của Đảng bỏ qua quy luật tự mâu thuẫn; quy luật phát triển; quy luật tác động.. để nhào nặn ra một xã hội mang niềm tin na ná nhau, tư duy na ná nhau, bám bíu vào nhau để gánh chịu và chờ đợi mọi thứ đến với mình. Thiếu vắng tư duy phản biện dẫn đến sự trì trệ trong nhận thức.

Chế độ “bầu cử chỉ định” đã cắt đứt mạch nối hình thành con đường xây dựng uy tín từ cái tài, cái tâm bị vứt bỏ. Những cái tôi tham muốn quyền lực, tham muốn lợi quyền vật chất chi phối bản năng dần lớn lên, hình thành vấn nạn tham nhũng, lợi dụng chức quyền ngày càng nghiêm trọng. Nguồn lực nhân sự lãnh đạo dần dần được thay thế và hình thành từ các cuộc “ngã giá” giữa cá nhân đang nắm giữ quyền lực và các cuộc mua bán bằng tiền bạc. Một chế độ được xây dựng bởi một bộ máy với những nhân sự như vậy thì có thể có uy tín được không? Không cần dẫn chứng những sai lầm, những thất bại mà ĐCSVN cùng bộ máy nhà nước do Đảng tạo ra, câu trả lời không thể có là quá rõ ràng!

Vậy ĐCSVN đã từng có uy tín chưa?
Thẳng thắn thì phải thừa nhận là có. Đó là thời kỳ đầu, ĐCSVN mới giành được quyền lực, cái thời mà Đảng viên hùng hục đi theo Đảng với cái niềm tin và viễn cảnh một tương lai tươi sáng mang tên “Chủ Nghĩa Cộng sản”. Cái thời mà tuy duy, nhận thức của Đảng viên cũng không khác gì những người nông dân nên tất cả đều cư xử như nhau, hành xử như nhau trong cái văn hóa đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt từ bao đời xưa để lại. Lúc đó, hình ảnh người Đảng viên gương mẫu là người luôn đi trước, hi sinh vì dân, vì bà con chòm xóm thân hữu trước chứ không phải là bây giờ. Cái thời của những kẻ cơ hội, mặc nhiên coi dân như thứ ngu hèn để lợi dụng, chén ép mưu lợi cá nhân. Đối xử với dân như kẻ nộ lệ, phải chấp hành và phục tùng tất cả, không cho phép bất kỳ phán xét nào với bất cứ hành vi nào từ quyền lực áp đặt. Nghĩa là thời chỉ có chữ “uy” mà không có chữ “tín”.

Uy tín của Đàng CSVN mất từ khi nào?
Nếu nói về tiến trình, nó mất ngay từ đầu khi uy tín đó được xây dựng trên nền tảng sai lầm từ đầu như đã nói trên. Mất vì nó vốn không có cơ sở tồn tại bởi lý luận chính trị là xây dựng một chế độ không bao giờ thành hiện thực. Kể cả khi nền khoa học kỹ thuật đã đạt đến tự động hóa hoàn toàn cũng không thể có được.
Nếu nói về thời gian. Cái uy tín tạm có thời kỳ đầu mới giành được quyền lực mất dần sau các biến cố Cải cách ruộng đất 1954; Cải tạo công thương 1976-1978.. Qua đến giai đoạn khủng khoảng 1983-1986 thì có thể nói uy tín chỉ còn chút ít trong một bộ phận rất nhỏ, nhưng lòng tin vào Đảng trong đại đa số người dân thì gần như đã mất hoàn toàn. Mất niềm tin với Đảng vào giai đoạn này chưa phải là vì người dân đã có giác ngộ chính trị mà là sự khốn cùng buộc họ không còn nghĩ gì khác ngoài chuyện miếng cơm manh áo. Đây cũng là thời kỳ mà một số Đảng viên có ý thức trách nhiệm đã bắt đầu đặt ra các nghi vấn về con đường xây dựng CNXH, thể chế chính trị. Tiêu biểu là bày tỏ thẳng thắn của Trung tướng Trần Độ, một số Đảng viên về hưu.. Nhưng lúc này ĐCSVN vẫn chưa hề nhận thức được sự nghiêm trọng trong các cảnh báo mà trái lại còn thẳng tay trừng phạt, coi họ như kẻ thù chống Đảng. Bản án an trí suốt đời với ông Trần Độ không chỉ là minh chứng rõ nhất thái độ cực đoan, không chấp nhận lắng nghe mà nó còn minh chứng tính bảo thủ, hạn chế trong tư duy của cả bộ máy lãnh đạo. Đây cũng là giai đoạn mà một số các Đảng viên nhận thấy cái sai lầm của Đảng, lặng lẽ rời bỏ Đảng, rời bỏ đất nước ra đi như Vũ Thư Hiên, Bùi Tín..
Tướng Trần Độ

Vào giai đoạn 1986 – 1990, công cuộc mở cửa tạo ra một chút không khí mới, người dân lại tập trung vào mong muốn làm giàu, mong muốn đổi đời sau bao khó khăn, khổ cực của thời Hợp tác xã, Nông trường, thời bao cấp.. nhưng cũng từ  giai đoạn này. Sự suy thoái đạo đức, lạm quyền, mưu đồ cá nhân của cán bộ trong bộ máy được tạo ra bởi thủ đoạn vay mượn uy tín, dối trá, lợi dụng bắt đầu lộ diện công khai, ngày càng lộng hành, trơ tráo hơn lúc nào hết. Chính thức mở màn cho giai đoạn mà không chỉ Đảng không còn uy tín trong mắt người dân, bắt đầu chuyển sang con mắt nghi kỵ, chán ghét, dần tới thù nghịch trước những thiệt thòi họ phải gánh chịu. Trong đó có cả sự đố kỵ, thù ghét bởi khoảng cách giàu nghèo gia tăng quá lớn. Đảng viên không còn gần dân, không đại diện cho bất cứ ý nghĩa nào từ những khẩu hiệu tốt đẹp được trưng ra để định hướng tư tưởng. Có thể nói: Uy tín của ĐCSVN đã mất hẳn vào gia đoạn này với ngay cả chính các Đảng viên của Đảng và đại đa số nhân dân.
Biểu hiện sự tha hóa, tham nhũng, lộng quyền.. chính là biểu hiện cho thấy chính họ không còn tin vào Đảng, không quan tâm tới uy tín, sứ mệnh chính trị của Đảng. Nó giống như đó là biểu hiện của căn bệnh ung thối từ bên trong nay được bộc lộ ra ngoài cơ thể.

Uy tín đã mất, Đảng và đảng viên kêu gọi “bảo vệ” thì bảo vệ cái gì?
Một chế độ không có uy tín thì không thể tồn tại, cái mà một vài người đang kêu gọi bảo vệ thức chất là bảo vệ cái quyền lợi còn lại níu giữ họ có liên quan với Đảng. Còn nói về uy tín thì phải nói là “xây dựng uy tín cho Đảng” mới đúng! Tạm bỏ qua cái tính chính danh trong ngôn ngữ, cứ cho lời kêu gọi đó hàm ý là tạo uy tín cho Đảng. Việc đưa ra lời kêu gọi lúc này đã là quá muộn! Muộn vì người dân đã bắt đầu ý thức được phải làm gì, đâu là sự thật.. muộn vì những Đảng viên có tâm, có lòng kiên nhẫn nhất cũng đã phải chấp nhận từ bỏ Đảng, hành động gửi thư của tập thể 61 đảng viên vừa qua là minh chứng: Không còn sự kiên nhẫn, chịu đựng nào cho Đảng CSVN! Các hội nhóm dân sự đã ra đời, dù trên danh nghĩa là bất hơp pháp nhưng nó sẽ tồn tại không thể dẹp bỏ, các Hội nhóm này sẽ bắt buộc Đảng CSVN phải thay đổi triệt để hoặc đối mặt với thách thức khi tập hợp được một lực lượng ủng hộ nhất định. Vậy thử đi hết tới tận cùng của vấn đề:

Đảng CSVN còn cơ hội xây dựng uy tín và giữ lại phần nào các quyền lợi từ quyền lực mà Đảng đang có hay không?
Cá nhân tôi cho rằng có! Vẫn còn nhưng phải là hành động cụ thể chứ không phải là khẩu hiệu “kêu gọi”! Các hành động đó phải đảm bảm thực thì đồng bộ tối thiểu bốn điều kiện sau: (Có điều các điều kiện đưa ra lại cực kỳ khó khăn để ĐCSVN có thể thực thi (!).
Hãy đặt ra từng vấn đề và cùng tham khảo:
-         -  Phải chống được tham nhũng.
-      -     Phải thiết lập cơ chế đối thoại đa nguyên. Đa nguyên ở đây nên hiểu là nhiều - nhiều hơn một chiều là lề phải theo ý Đảng hoàn toàn - chiều hướng khác nhau, không nhất thiết bắt buộc phải là đa đảng.
-         -  Thiết lập cơ chế tam quyền phân lập trong bộ máy quản lý. Trong đó tối thiểu phải có ít nhất là sự độc lập của hệ thống Tòa án.
-       -    Minh định về định chế “Xã hội chủ nghĩa” và xác định lại vị trí chính trị của học thuyết Mác-Lê và cả vị trí, vai trò của Đảng trong cấu trúc quyền lực xã hội. Từ bỏ bớt các quyền hiến định của Đảng, trả về cho dân.
-          ….
Nói về chống tham nhũng: Nhìn vào cách thức thực hiện hiện nay, Đảng CSVN gần như không có 1% cơ hội thành công! Đơn giản vì không có nhân sự nào có bàn tay nào sạch hoàn toàn, thậm chí là bàn tay “ít bẩn”, dám chấp nhận hi sinh để tuyên chiến với tham nhũng!
Nhìn qua Trung Quốc: Tại sao TQ đang là một đất nước phát triển, đang hướng tới vị trí siêu cường lại phải mở cuộc chiến chống tham nhũng khốc liệt như vậy? Nguyên nhân không có gì khác so với VN. Đều là vì xây dựng uy tín để giữ cho chế độ khỏi sụp đổ! CNCS ở TQ chỉ còn là cái vỏ, mọi cấu trúc, đối sách, chiến lược của TQ không còn có gì là CNCS cả.

Nhìn lại VN, riêng câu chuyện một Tòa án của Australia cấm công bố danh tinh một số quan chức hàng đầu của nhà nước liên quan hối lộ, tham nhũng.. trong vụ án in tiền polyme bị rò rỉ. Sự “nhột nhạt”, lúng túng đến mức ra thông cáo phản đối, đòi phải giải thích om sòm.v.v. Vô hình chung phơi bày thêm cái nham nhở, nhớp nhúa.. Biến vụ việc trở thành trò hề hài hước kiểu “không muốn chỉ thằng đang trốn trong đống rơm kia đâu” (!) Vậy thì chống tham nhũng ra sao với bộ máy “có tham nhũng ngay trong chính cơ quan chống tham nhũng” ?
Dinh thự "được em kết nghĩa giúp" của Tổng thanh tra

Nói về đối thoại đa nguyên. Như trên đã nói, việc gải tán các hội nhóm dân sự là không thể. Cố gắng thực hiện điều đó sẽ chỉ làm cho mâu thuẫn đối kháng tăng lên và tính chính danh của Đảng CSVN càng đi xuống. Có một giải pháp vừa hợp lý cho sự phát triển, vừa đảm bảo được khả năng  “hòa hoãn”, từng bước cạnh tranh lành mạnh để xác lập lại vị trí quyền lực có uy tín cho tổ chức xứng đáng nhất. Đó là, trước mắt nên giải tán Quốc hội hiện nay. Mở cuộc bầu cử dân chủ công khai, minh bạch cho người dân tự lựa chọn đại diện cho mình một cách công bằng. Các đại biểu QH phải vận động tranh cử trực tiếp, không qua danh sách chỉ định như trước đây và hiện nay. Lập ra một QH thực sự đại diện cho dân chứ không phải là một QH mà trong đó gần như 100% là đảng viên của Đảng như hiện nay. Đặt QH vào một vị trí giám sát, đối trọng quyền lực thật sự chứ không phải là cái loa theo định hướng của Đảng.

Nguyên PTT Trần Phương
"CNXH là thế nào phải viết ra, ghi rõ ra"
Nói về phân quyền hệ thống pháp lý: Trong bối cảnh không tìm ra được “bàn tay sạch” để tạo dựng uy tín. Việc tách hệ thống Tòa án khỏi sự chi phối của Đảng sẽ cho phép tạo ra một cơ chế quyền lực từng bước thu hẹp các bất công, hóa giải và ngăn chặn các mâu thuẫn gia tăng. Bảo vệ các quyền lợi chính đáng cho người dân.. Nó cho phép tạo ra lòng tin của người dân vào một đối tượng mang một cơ chế khác. Từng bước hoàn thiện, minh bạch hệ thống luật pháp đang bị chi phối bởi các phe nhóm lợi ích.

Về “Chủ nghĩa Xã hội” và học thuyết Mác-Lê: Nếu không thể lý giải cụ thể định tính “Xã hội Chủ nghĩa” là gì thì phải dứt khoát từ bỏ. Tìm kiếm một mô hình trung gian hoặc chuyển hẳn qua thể chế dân chủ. Đặt học thuyết Mác-Lê ở vị trí tham khảo như bao nhiêu học thuyết khác. Người dân sẽ thông qua các đóng góp của mình, xác quyết sự tồn tại và mức độ vận dụng liên quan học thuyết này.
Những điều kiện trên tuy khó, nhưng nếu biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên, đặt sứ mạng của Đảng vào cán cân sinh tử thì không có gì là khó.


Cổ nhân có câu: “Việc nhỏ không làm tất việc lớn không thành. Sự khó không dám đương đầu chắc chắn mang vạ ngày sau.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét