Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

HÀNH TRÌNH LÝ SƠN Phần 1

Quảng Ngãi - Vùng đất miền Trung vốn không mấy xa lạ với tôi, nếu không nói là khá nhiều duyên nợ với nó. Cách đây đúng 10 năm về trước, khi tôi còn là một doanh nhân nhỏ. Từng có một mối tình với một cô gái xứ này. Từ tình yêu, tôi tìm đến Quảng Ngãi với giấc mơ đầu tư vào nơi mang một duyên nợ với mình. Khi đó, mỗi khi đặt chân tới vùng biển Quảng Ngãi, tôi thường hay nhìn ra xa, nơi có những con tàu ngư dân mỏng manh cưỡi trên sóng gió đến vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc.. Nghe kể về họ, gặp gỡ họ.. tôi thấu hiểu những vất vả mưu sinh và cả những hiểm nguy mà vì sinh kế họ đang đối mặt mỗi ngày nơi biển khơi.
Ấn tượng lớn nhất với tôi là những câu chuyện về người dân chài Lý Sơn. Hòn đảo nhỏ chỉ cách bờ hơn chục hải lý . Nơi ấy nổi tiếng với loại Tỏi Lý Sơn, vừa cay, vừa đậm đà với hương vị đặc biệt của nó. Nổi tiếng với những người dân vạn chài hiếu khách, chân thành nhưng dũng cảm, kiên định đậm chất dân tộc Việt Nam.
Tôi vẫn thường ao ước có lần ra đảo Lý Sơn. Nhưng mãi tới tận bây giờ, sau 10 năm mới có dịp thực hiện.
Cuối cùng, sau gần 3 giờ trên con tàu gỗ vừa chở khách, vừa chở hàng. Tôi đặt chân lần đầu ngày 18/05/2014.
Chính nơi đây, hàng trăm năm trước. Tổ tiên, cha ông nước Việt đã cử những người lính đầu tiên ra trấn giữ Trường Sa và Hoàng Sa, đưa đất nước vươn ra biển lớn.
Năm 1934, Vua Minh Mạng đã sai Hoàng Sĩ Phúc dẫn 20 thủy quân ra Bãi Cát Vàng (Trường Sa & Hoàng Sa ngày nay) để đo đạc, trấn giữ làm nơi hải biên  chính thức. Đội quân này đã lấy Lý Sơn làm nơi đặt bản doanh và xuất phát đi tuần duyên các đảo ngoài khơi. Chính Vua Minh Mạng đã gọi Trường Sa-Hoàng Sa là "BẢN QUỐC HẢI CƯƠNG, HOÀNG SA TỐI THỊ HIỂM YẾU" trên sắc chỉ năm 1836.


Kể từ đó, các đạo quân thủy của nước Việt liên tục thực thi tuần tra, trấn giữ trên các quần đảo này. Những gian khó, hiểm nguy do biển khơi, cướp biển, giặc ngoại xâm .. đã khiến bao lớp anh hùng ngã xuống. Người vùi xác biển khơi, người may mắn được đưa về đất mẹ trong những chiếc chiếu cói được bó lại cùng những chiếp nẹp tre làm quan tài.
Khó khăn, khổ cực, nguy hiểm.. Tất cả đều không cản được ý chí bảo toàn lãnh thổ cho tổ quốc.
Những ngôi mộ gió đơn sơ trên Lý Sơn vẫn còn đó, cất giữ những người con dũng cảm đã hi sinh vì biển đảo.
Ban quốc hai cương, Hoàng Sa tối thị hiểm yếu


Sau khi tìm chỗ nghỉ ngơi trên đảo, tôi bắt đầu chuyến tham quan bằng việc đi kiếm một quán cơm bình dân. Loanh quanh một hồi, cuối cùng tôi ghé vào một quán cơm đối diện Âm linh tự. Một ngôi chùa giờ đã là di tích quốc gia. Nơi đây còn lưu giữ những ngôi mộ chôn cất thi hài các thủy quân Hoàng Sa năm xưa.. Các đường nét, màu sắc rực rỡ của Âm linh tự cho thấy ngôi chùa mới được tu sửa. Một chút chạnh lòng nhìn lại những ngôi mộ bằng cát vàng mà người dân thường gọi là "mộ gió". Tôi tự hỏi: Nơi đây có bao nhiêu thế hệ đã ngã xuống vì trấn giữ biển đảo cho đất nước?
Âm linh tự - Nơi chôn cất các anh hùng Hoàng Sa.
Bữa cơm kết thúc để mở đầu một cuộc nói chuyện thú vị với hai người bạn trẻ tôi tình cờ gặp khi họ cùng vào ăn trong quán: Một nữ phiên dịch và một du khách người Nhật. Cuộc nói chuyện nhanh chóng đưa chúng tôi thành những người bạn đồng hành. Anh chàng du khách Nhật đi du lịch và muốn tìm hiểu về đời sống văn hóa  người Việt.
Buổi chiều, chúng tôi rong ruổi tìm đến khu tượng đài các anh hùng Hoàng Sa. Sau đó tìm vào khu ngư dân, đến vài nhà là ngư dân mới bị TQ đâm tàu, bắt bớ, đánh đập ở Hoàng Sa. Những câu chuyện về những chuyến đi biển, những lần bị Hải quân TQ bắt giữ, đòi tiền chuộc.. Những trận đòn sau màn cướp bóc, những tủi nhục của đời người bị tước đoạt ngay chính trên vùng biển của tổ tiên cha ông bao đời..
Những căm hận quân cướp nước cứ lớn dần trong tôi qua mỗi câu chuyện.
Cái nhức nhối trong lòng thôi thúc tôi đi tìm câu trả lời cho dấu hỏi: Vì sao Hoàng Sa mất, vì sao giờ đây quân giặc ngang nhiên cướp bóc, tiếp tục lấn chiếm Trường Sa?
Máu và nước mắt những người dân đã bao đời hòa chung với biển, giờ đây sẽ còn bao nhiêu đau thương tiếp tục vùi chôn bởi quyết tâm bảo vệ non sông biển đảo của tổ quốc?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét